Ẩm thực Hạ Long

Bún xào ngán- Món độc đáo Quảng Ninh

Bún xào ngán là một món mới xuất hiện trong các nhà hàng tại Tp Hạ Long nhưng trước đó món ăn này khá phổ biến ở vùng ven sông Chanh, vùng thị trấn Quảng Yên của huyện Yên Hưng tỉnh nhà.
Thoạt trông, món bún ngán xào nhìn không được bắt mắt, bởi bún trắng trộn với ngán đen, lại có thêm mộc nhĩ, nấm hương và hành lá cũng đều là thứ xanh, đen cả. Hơn nữa, nếu chưa quen ăn ngán thì khó thích món này vì nó nồng, một mùi vị nồng rất đặc trưng của ngán. Nhưng khi đã yêu thích bún ngán xào nó có thể gây nghiện và mới vỡ lẽ ra rằng đĩa thức ăn trông không được bắt mắt kia lại làm cho ta nhận ra được ngay thứ mà ta yêu thích, bởi nó tạo ra một khoảng riêng trên mâm tiệc, không lẫn với bất cứ món ăn nào.

 bunxao

Bún dùng kéo cắt ngắn độ 5cm, gỡ tơi, để sẵn trong một cái đĩa to sâu lòng hay trong cái chảo, cái xoong cũng được. Ngán dùng dao bổ tách vỏ, hứng lấy nước trong mình ngán vào bát to, gạt thịt ngán luôn vào đó. Tuỳ vào lượng ngán mà cần nhiều bún hay ít. Thường thì nửa cân bún cần khoảng 3 lạng ngán, nhiều thì tới 5 lạng. Thịt ngán lấy đủ vào bát, dùng tay mân mê, đẩy sạch bùn cặn vớt ra cho lên thớt, thái nhỏ. Nước ngán trong bát để lắng cặn, gạn sang một cái bát khác, để riêng. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm rửa sạch, thái chỉ, nhỏ. Hành hoa cắt khúc dài khoảng một đốt ngón tay… Sau đó đổ thịt ngán vào bún, cho vừa bột canh, mỳ chính, trộn đều. Bắc chảo lên bếp, để dầu hoặc mỡ nóng già, cho hành hoa vào phi thơm thì đổ bún ngán đã trộn vào xào. Ngán, bún chín chừng bảy lẻ đổ tiếp mộc nhĩ, nấm hương vào xào lẫn. Tiếp tục xào cho tới gần chín thì rưới một ít nước mình ngán ở cái bát để riêng kia vào, đảo đều chờ tới khi mọi thứ chín hẳn (thứ nước ở mình ngán có thể cho hoặc không cho vào, nếu người ăn thích hoặc không thích tăng vị thơm nồng của ngán. Cũng giống như khi rửa ngán, người ta không rửa nước lã, phải rửa ngay trong nước ở mình nó, để ngán không bị nhạt, bị tanh, là vậy). Bắc ra rắc hạt tiêu, ăn nóng.

 Ngán là một loài động vật nhuyễn thể, vỏ cứng, sống nơi bùn đất, ở biển, họ sò hến, song lại lành. Người ta có thể chế biến chúng thành nhiều món ăn, trong đó có những món ăn mà người đàn bà đẻ có thể ăn được, đó là canh rau ngót nấu ngán và ngán kho.

Nhưng ngán có vị đặc trưng là khá nồng. Không biết có phải nó có vị nồng mà người ta gọi nó là “ngán” không, hay là có cả con ngao nữa, cũng có vị đớt, mà thành “ngao ngán” (!). Dầu vậy, kể cả ngao và nhất là ngán, như ở trên có nhắc, lúc đầu chưa ăn quen, món bún ngán xào nói riêng và các món ăn khác chế biến từ ngán nói chung không dễ ăn, song ăn quen rồi lại thành ra nghiện. Thế mới… chết. Không biết có phải vì thế không mà mỗi lần có dịp về Quảng Yên, “người ta” hay quyến rũ tôi bằng món bún ngán xào, để rồi khi xa cồn cào nỗi nhớ.
Cùng một cách làm để chế biến như món bún ngán xào, người ta còn có thể thay bún bằng miến để làm món miến ngán hấp. Cũng có vị ngon riêng…

 Và, nếu tôi nhớ không nhầm, cách đây chừng 4 năm, tại một cuộc thi nấu ăn dành cho các khách sạn, nhà nghỉ tiêu biểu vùng Quảng Ninh do Sở Du lịch Quảng Ninh tổ chức, đã có một nhóm đầu bếp của một khách sạn nọ đã đưa món bún ngán xào vào thực đơn của mình, hòng giành giải của ban tổ chức.

Theo: dulichhalong

Back To Top